HOTLINE

Lao tiềm ẩn là gì và những ai có nguy cơ bị lao tiềm ẩn?

Lao tiềm ẩn là tình trạng một người bị nhiễm vi khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis nhưng người đó không có bằng chứng biểu hiện của bệnh lao và không có khả năng lây nhiễm cho người khác. Nói cách khác, lao tiềm ẩn là tình trạng cơ thể người có đáp ứng miễn dịch với kháng nguyên của vi khuẩn lao nhưng chưa có triệu chứng, dấu hiệu lâm sàng, cận lâm sàng nào cho thấy bệnh lao hoạt động.

Lao tiềm ẩn có nguy hiểm không?

Ước tính 1/3 dân số thế giới bị lao tiềm ẩn. Mặc dù không gây tử vong, tuy nhiên nếu không được điều trị, người bị lao tiềm ẩn sẽ có nguy cơ chuyển thành mắc bệnh lao và trở thành nguồn lây nhiễm cho những người xung quanh.

Nhóm người có nguy cơ cao bị lao tiềm ẩn gồm những ai?

Thứ nhất là những người tiếp xúc gần, tiếp xúc thường xuyên với người bệnh lao phổi có nguy cơ lây nhiễm lao và phát triển bệnh lao, gồm: Trẻ dưới 5 tuổi tiếp xúc hộ gia đình với người bệnh lao phổi; Người từ 5 tuổi trở lên tiếp xúc hộ gia đình với người bệnh lao phổi; Nhân viên y tế làm việc tại các đơn vị phòng chống lao hoặc các cơ sở y tế có thể có người bệnh lao đến khám; Cán bộ quản giáo, nhân viên làm việc tại các trại giam, trại giáo dưỡng.Trong đó: Người tiếp xúc hộ gia đình là các thành viên sống trong cùng nhà với người bệnh lao phổi, hoặc những người đáp ứng các điều kiện sau: Ngủ cùng nhà với người bệnh lao phổi ít nhất 1 đêm/tuần trong 3 tháng trước khi người bệnh được chẩn đoán. Có ở cùng nhà với người bệnh lao phổi ít nhất 1 giờ/ngày và liên tục 5 ngày/tuần trong 3 tháng trước khi người bệnh lao phổi được chẩn đoán.

Thứ hai là nhóm người có các yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển từ nhiễm lao thành bệnh lao: Người nhiễm HIV ở mọi lứa tuổi; Người bệnh bụi phổi; Người bệnh đái tháo đường; Người bệnh suy thận, chạy thận nhân tạo; Người bệnh cấy ghép tạng và những người chuẩn bị cấy ghép tạng; Người bệnh điều trị ức chễ miễn dịch kéo dài (bệnh hệ thống như bệnh lupus, viêm khớp dạng thấp, vẩy nến, …); Người bệnh điều trị thuốc sinh học (anti-TNF).

Nguồn: Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh

Chia sẻ nhận xét về bài viết

Gửi nhận xét
HỎI VÀ ĐÁP
Đánh giá
Gửi