HOTLINE

NHỮNG XÉT NGHIỆM CẦN LÀM ĐỂ CHẨN ĐOÁN BỆNH LAO

Bệnh Lao có lẽ đã không còn quá xa lạ đối với mỗi chúng ta. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu biết đầy đủ về căn bệnh này. Những thông tin tràn lan trên mạng về những triệu chứng cũng như các xét nghiệm để chẩn đoán Lao có thể làm người dân hoang mang, lo sợ. Vậy khi có triệu chứng nghi lao, đến các cơ sở y tế, chúng ta sẽ được chỉ định làm những xét nghiệm gì? Chúng có dễ thực hiện? Có tốn nhiều tiền không? Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin đơn giản và đầy đủ về các xét nghiệm thường được sử dụng để chẩn đoán bệnh lao tại Việt Nam.

Hiện tại, để chẩn đoán bệnh Lao, các cơ sở y tế đã triển khai được nhiều các xét nghiệm hiện đại như: nhuộm soi trực tiếp, các xét nghiệm sinh học phân tử (GeneXpert, LPA), cấy MGIT, kháng sinh đồ…. Bên cạnh đó, các phương tiện chẩn đoán hình ảnh như X-quang, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ cũng được chỉ định trong chẩn đoán bệnh Lao.

Chụp phim X-quang ngực

Tất cả người bệnh có triệu chứng hô hấp (sốt về chiều, ho, khạc đàm, khó thở, sụt cân...) nên được chụp X-quang ngực sàng lọc lao phổi, đặc biệt ở người có nguy cơ cao như đái tháo đường, người cao tuổi, suy dinh dưỡng, nhiễm HIV... Vậy bệnh nhân lao ngoài phổi như lao màng não, lao hạch, lao màng bụng có cần chụp X-quang không? Câu trả lời là có. Vì đa phần lao ngoài phổi đều bắt nguồn từ ổ lao nguyên phát tại phổi. Do đó nếu tìm thấy được hình ảnh tổn thương nghi lao trên X-quang phổi sẽ là một căn cứ để chẩn đoán các thể lao ngoài phổi.

Ưu điểm của phương pháp này là việc thực hiện đơn giản, rẻ tiền, có kết quả nhanh chóng, có thể áp dụng rộng khắp trong cộng đồng. Máy X-quang được trang bị ở cả những tuyến y tế cơ sở, người bệnh không cần đi xa đến các bệnh viện lớn để chụp phim. Tuy nhiên, chụp phim X-quang ngực có nhược điểm là những tổn thương nghi lao trên X-quang đa dạng và không đặc hiệu, có thể gặp ở những bệnh phổi khác. Vì vây, X-quang bình thường không loại trừ bệnh lao và X-quang bất thường không được dùng để chẩn đoán xác định bệnh lao. Chẩn đoán của bác sĩ sẽ dựa vào hình ảnh X-quang kết hợp với triệu chứng lâm sàng và các xét nghiệm khác.

Nhóm xét nghiệm tìm vi khuẩn Lao

Nhóm này bao gồm các phương pháp tìm kiếm sự hiện diện của vi khuẩn trong mẫu bệnh phẩm. Bệnh phẩm thường là đàm, nếu bệnh nhân không khạc được có thể sử dụng dịch dạ dày, hoặc phân (ở trẻ em). Trong trường hợp, lao ở các cơ quan khác, bệnh phẩm có thể là dịch tiết của các cơ quan đó, ví dụ như dịch màng phổi, dịch não tủy, dịch màng bụng…

Trong đa số các trường hợp, người nghi lao sẽ khạc lấy đàm xét nghiệm. Cách khạc đàm cũng đóng vai trò quan trọng, ảnh hưởng kết quả xét nghiệm. Một mẫu đàm không đạt chuẩn sẽ làm tăng tỉ lệ âm tính giả. Người bệnh cần chú ý khạc đàm đúng cách để có được mẫu đàm đạt chuẩn. Các bước khạc đàm đúng gồm 3 bước như sau:

Bước 1: Hít vào thật sâu, thở ra thật mạnh (2 lần)

Bước 2: Hít sâu, thở mạnh lần 3, ho khạc thật sâu từ trong phổi

Bước 3: Đặt cốc đờm (đã mở nắp) vào sát miệng, nhổ đờm vào đáy cốc. Vặn chặt nắp.

Ảnh: Hướng dẫn cách khạc đàm xét nghiệm bệnh Lao

Chấm dứt bệnh Lao là sứ mệnh không chỉ của Việt Nam mà của toàn thế giới. Người bệnh lao luôn cần được hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất để tiếp cận y tế, các công cụ chẩn đoán và điều trị tốt với mức chi phí thấp hoặc miễn phí. Các dự án lớn có thể kể đến như: Chương trình X-quang lưu động tiếp cận sàng lọc lao đến gần hơn với người dân ở từng địa phương, người dân không cần đến các bệnh viện, cũng không cần chi trả tiền chụp X-quang; Chương trình 2X (X-quang, Xpert) để giúp tăng tỉ lệ phát hiện lao thường cũng như phát hiện sớm lao kháng thuốc, đưa vào điều trị, giảm nguồn lây trong cộng đồng.

Như vậy, chúng ta đang từng bước tiến gần đến mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030. Ngành y tế và các tổ chức phi chính phủ vẫn đang cố gắng tập trung nguồn lực cho công cuộc thanh toán bệnh lao tại Việt Nam. Đây là một chặn đường dài, gian nan, và cần sự hợp tác của các cơ quan ban ngành, và đặc biệt là người bệnh - người trực tiếp gánh chịu những hậu quả do bệnh lao mang lại.

Bs Bùi Duyên Thanh Thảo - BV. Phạm Ngọc Thạch

Chia sẻ nhận xét về bài viết

Gửi nhận xét
HỎI VÀ ĐÁP
Đánh giá
Gửi