Người bệnh đã nhiễm vi khuẩn lao, nếu không điều trị thì vi khuẩn lao trong cơ thể có thể nhân lên và gây bệnh lao khi cơ thể yếu đi. Khi đó, người bệnh trở thành nguồn lây nhiễm lao cho những người xung quanh. Hoàn thành điều trị lao tiềm ẩn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh lao tới 90%.
Chẩn đoán lao tiềm ẩn bằng cách nào?
Chẩn đoán lao tiềm ẩn dựa trên 2 yếu tố:
(1) Xét nghiệm Mantoux (TST) hoặc IGRA dương tính, và
(2) Loại trừ được mắc lao hoạt động qua khám lâm sàng, X quang phổi, xét nghiệm đờm hoặc dấu hiệu bất thường ở các cơ quan ngoài phổi nghi lao.
Tầm soát, chẩn đoán lao tiềm ẩn ở đâu?
Khi cần tầm soát nhiễm lao tiềm ẩn, người dân có thể đến Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch hoặc các Tổ lao thuộc Trung tâm Y tế quận/huyện và thành phố Thủ Đức.
Điều trị lao tiềm ẩn như thế nào?
Điều trị lao tiềm ẩn (trước đây còn gọi là điều trị dự phòng lao) là liệu trình điều trị hiệu quả cho người có nguy cơ cao mắc lao hoặc có bằng chứng mắc lao tiềm ẩn.
Sau khi được chẩn đoán xác định và được tư vấn điều trị, người bệnh cần được đăng ký quản lý điều trị lao tiềm ẩn càng sớm càng tốt tại một đơn vị chống lao tuyến huyện hoặc tương đương. Nguyên tắc điều trị: (1) Dùng thuốc đúng liều lượng. (2) Dùng thuốc đều đặn. (3) Dùng thuốc đủ thời gian quy định.
Thời gian điều trị: Điều trị lao tiềm ẩn chỉ dùng 1 đến 2 loại thuốc. Tùy vào phác đồ điều trị mà thời gian điều trị có thể giao động từ 3 tháng đến 12 tháng.
Theo dõi điều trị: Người bệnh được theo dõi, giám sát, quản lý điều trị tại nơi đăng ký điều trị.Nếu thấy xuất hiện các triệu chứng như sốt, sụt cân không có lý do, mẩn ngứa, buồn nôn, nôn mửa, đau bụng, đau khớp, mệt mỏi kéo dài, dị cảm ở bàn tay và bàn chân, nước tiểu sậm màu, dễ bị bầm tím hay chảy máu, phân nhạt màu, hoặc vàng da…cần thông báo ngay cho nhân viên y tế.
Nguồn: Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh