Lúc 12 giờ ngày 17/04/2018, Trung tâm Y tế quận Tân Bình nhận được thông tin có 6 trường hợp bệnh quai bị tại 2 cơ sở dạy tiếng nhật (tổ dân phố 57, 61 khu phố 5 đường Trần Văn Danh và Hoàng Hoa Thám phường 13 quận Tân Bình).
Trung tâm Y tế quận, TYT phường 13 đã tổ chức điều tra dịch tễ ghi nhận 6 trường hợp đều là học viên nữ. Học viên đầu tiên được phát hiện bệnh quai bị vào ngày 29/03/2018. Hơn một tuần lễ sau xuất hiện lần lượt thêm 5 học viên tại 2 cơ sở này được chẩn đoán mắc bệnh quai bị. Trong đó, ca cuối cùng được bệnh viện Quận Tân Bình chẩn đoán mắc bệnh vào ngày 16/04/2018. Đây được coi là một ổ dịch quai bị nhỏ, có sự lây lan và đã triển khai ngay các hoạt động chống dịch như tuyên truyền biện pháp phòng bệnh cho hơn Ban Giám hiệu, Giáo viên, CNV, học viên, cấp phát bướm, điều tra dịch tễ, cấp hóa chất khử khuẩn bằng cloramin, tổ chức khử khuẩn tại các phòng học, khuôn viên trường. Công tác khử khuẩn, giám sát phát hiện trường hợp có biểu hiện nghi ngờ hoặc mắc bệnh được thực hiện trong suốt thời gian giám sát.
Quai bị là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, thường xuất hiện nhiều vào mùa xuân, hè, tuy nhiên bệnh có thể xảy ra quanh năm kể cả vào mùa thu, đông. Bệnh thường phát triển thành dịch ở những tập thể đông đúc như nhà trẻ, trường học. Đây là một bệnh nhẹ nhưng nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, đặc biệt nguy hiểm nhất là viêm sưng tinh hoàn, ở nam giới có thể dẫn đến vô sinh.
Bệnh lây truyền qua đường hô hấp và đường ăn uống, qua những giọt nước bọt khi bệnh nhân nói, ho, hắt hơi. Thời gian lây bệnh từ 6 ngày đến 2 tuần với các triệu chứng:
- Thời gian ủ bệnh kéo dài 18 đến 25 ngày, giai đoạn này hoàn toàn yên lặng không bộc lộ dấu hiệu và triệu chứng gì.
- Thời kỳ khởi phát, toàn phát:
+ Sốt 38 - 38,5 độ C, nhức đầu, nôn.
+ Sau sốt 24- 48 giờ xuất hiện viêm tuyến mang tai. Lúc đầu sưng một bên, sau 1-2 ngày sưng tiếp bên kia (thường sưng cả hai bên, ít gặp sưng 1 bên). Hai bên sưng thường không đối xứng (bên sưng to, bên sưng nhỏ), căng, bóng, không đỏ, ấn không lõm, sờ nóng, ấn đau.
+ Nước bọt ít, quánh.
+ Đau hàm khi há miệng, nhai hoặc nuốt. Đau lan ra tai.
+ Họng viêm đỏ
- Thời kỳ lui bệnh: Bệnh tự khỏi trong vòng 10 ngày. Thường hết sốt sau 3-4 ngày, tuyến nước bọt hết sưng trong vòng 8-10 ngày.
Có khoảng 1/3 số bệnh nhân mắc bệnh Quai bị không biểu hiện triệu chứng gì. Đôi khi, bệnh Quai bị qua đi mà không hay biết do tuyến mang tai không sưng.
Bệnh Quai bị ở người lớn thường nặng và có nhiều biến chứng hơn ở trẻ em, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể có các biến chứng như:
- Viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn ở nam giới: thường có sốt 39-40 độ, Tinh hoàn sưng to, đau, mào tinh hoàn căng phù như một sợi dây thừng. Tình trạng viêm và sốt kéo dài 3-7 ngày, sau đó khoảng 50% số trường hợp tinh hoàn teo dần và có thể dẫn đến tình trạng giảm số lượng tinh trùng và vô sinh.
- Viêm buồng trứng ở nữ giới (chiếm khoảng 5%) với các triệu chứng: sốt, nôn, đau bụng vùng hố chậu, biến chứng vô sinh ít gặp.
- Các tổn thương thần kinh: Viêm não (chiếm khoảng 0,5% các trường hợp mắc), bệnh nhân có các dấu hiệu như: thay đổi tính tình, bứt rứt, khó chịu, nhức đầu, co giật, rối loạn tri giác, rối loạn thị giác, đầu to do não úng thủy. Tổn thương thần kinh sọ não dẫn đến điếc, giảm thị lực, viêm tủy sống cắt ngang, viêm đa rễ thần kinh.
- Đặc biệt bệnh Quai bị ở phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể gây sẩy thai hoặc sinh con dị dạng, trong 3 tháng cuối của thai kỳ có thể sinh non hoặc thai chết lưu.
Đây là bệnh do virus gây ra nên chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, các trường hợp mắc bệnh phải được nghỉ ngơi tại chỗ; ăn thức ăn mềm, dễ nuốt.
- Cách ly người bệnh khoảng 2 tuần từ khi phát hiện bệnh.
- Học sinh bị bệnh không được đến trường, vì như vậy sẽ là nguồn lây bệnh cho các bạn xung quanh.
- Người lớn mắc bệnh cũng cần được cách ly như trẻ nhỏ tại phòng riêng.
- Các đồ vật có liên quan đến chất tiết mũi, họng cần phải được diệt khuẩn tốt.
- Cách ly người bị nhiễm bệnh: đeo khẩu trang, che miệng khi hắt hơi, hạn chế tiếp xúc, tụ tập nơi đông người,...
- Vệ sinh sạch sẽ thân thể, rửa tay bằng xà phòng, giữ vệ sinh tốt môi trường xung quanh.
- Nghỉ ngơi, vận động nhẹ nhàng, đặc biệt khi có biểu hiện viêm tinh hoàn cần hạn chế tối đa vận động, chạy nhảy để không làm bệnh nặng thêm.
- Vệ sinh răng miệng, súc miệng bằng nước muối sinh lý hay nước súc miệng để chống khô miệng và không để vi khuẩn có môi trường thuận lợi phát triển.
- Có thể sử dụng Paracetamol để hạ sốt, giảm đau nhưng cần tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi sử dụng.
- Làm giảm sưng vùng tuyến nước bọt bằng cách chườm nước đá.
- Uống nhiều nước để tránh mất nước do sốt.
- Tránh các loại thực phẩm và đồ uống có tính axit có thể khiến tình trạng viêm tuyến nước bọt trở nên tồi tệ, người bệnh đau đớn hơn.
- Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người xung quanh để phòng lây bệnh cho người khác.
- Học sinh bị bệnh không được đến trường, vì như vậy sẽ là nguồn lây bệnh cho các bạn xung quanh.
- Người lớn mắc bệnh cũng cần được cách ly như trẻ nhỏ tại phòng riêng.
- Các đồ vật có liên quan đến chất tiết mũi, họng cần phải được diệt khuẩn tốt.
- Cách ly người bị nhiễm bệnh: đeo khẩu trang, che miệng khi hắt hơi, hạn chế tiếp xúc, tụ tập nơi đông người,...
- Vệ sinh sạch sẽ thân thể, rửa tay bằng xà phòng, giữ vệ sinh tốt môi trường xung quanh.
Hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, điều trị chủ yếu là nâng đỡ, tăng cường dinh dưỡng, điều trị triệu chứng. Phát hiện sớm các biến chứng như viêm tinh hoàn, viêm màng não… để được điều trị kịp thời.
Để phòng bệnh, ngoài các biện pháp cách ly với người bệnh thì phương pháp tiêm phòng là tốt nhất. Hơn 95% những người được tiêm chủng được miễn dịch rất lâu, có thể suốt đời. Vaccine có thể tiêm bất kỳ lúc nào từ 12 tháng tuổi trở lên. Trẻ vị thành niên và người lớn nếu đã có tiếp xúc với bệnh nhân quai bị nhưng chưa có tiền sử mắc quai bị và chưa được tiêm chủng theo lịch phòng bệnh quai bị thì nên tiêm chủng để có thể phòng bệnh tốt nhất cho bản thân và gia đình mình.