HOTLINE

BÉO PHÌ Ở TRẺ VÀ CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG, CHỐNG

          Trong cuộc sống hiện nay, trẻ bị béo phì đã trở thành vấn đề sức khỏe cộng đồng và có nguy cơ mắc các bệnh như người trưởng thành. Theo kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc 2019 – 2020 của Viện dinh dưỡng quốc gia, t lệ trẻ em thừa cân, béo phì tăng gấp 2,2 lần, từ 8,5% năm 2010 lên thành 19,0% năm 2020 [1]. Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, kết quả khảo sát trên 1.230 học sinh từ Mầm non đến Trung học phổ thông tại 8 cơ sở giáo dục trong năm 2024 cho thấy: trẻ từ 5-19 tuổi có tỉ lệ thừa cân 22% và 20% trẻ bị béo phì [2].

           Thừa cân, béo phì nguy hiểm như thế nào?

         Trẻ bị thừa cân, béo phì có nguy cơ mắc các bệnh mạn tính khi trưởng thành. Trẻ béo phì có nguy cơ mắc các bệnh như người trưởng thành nhưng có thể nặng hơn do thời gian kéo dài, ảnh hưởng đến nội tiết và tâm lý của trẻ, bao gồm các vấn đề về tâm lý, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, chuyển hóa bất thường glucose, rối loạn gan mật - đường ruột, khó thở khi ngủ.

         Bên cạnh đó, béo phì làm cho cơ thể trở nên mất cân đối, nặng nề, vận động khó khăn. Trẻ dễ mặc cảm, tự ti với bạn bè và khó hòa nhập với cộng đồng.

         Cần làm gì để phòng, chống thừa cân, béo phì ở trẻ

         Để giúp con phòng, chống thừa cân, béo phì, phụ huynh/ người chăm sóc trẻ có thể tham khảo những gợi ý sau:

         1. Theo dõi cân nặng, chiều cao, khẩu phần ăn hàng ngày của trẻ nhằm phát hiện sớm thừa cân béo phì để kịp thời điều chỉnh chế độ ăn và sinh hoạt của trẻ.

         2. Tổ chức bữa ăn cân bằng và khoa học. Không ăn quá no, không được bỏ bữa, ăn nhiều vào buổi sáng, hạn chế ăn nhiều vào buổi tối.

         3. Kết hợp chế độ ăn hợp lý kết hợp với hoạt động thể lực. Hạn chế thời gian xem ti vi và chơi game của trẻ. Động viên trẻ năng hoạt động, tạo điều kiện cho trẻ tham gia thường xuyên các trò chơi vận động thú vị, các hoạt động thể thao tại trường lớp như: chơi bóng bàn, bóng đá, bơi lội,…

         4. Hạn chế các loại thực phẩm chứa nhiều đường: bánh, kẹo, nước ngọt có gas. Hạn chế ăn ăn vặt và thức ăn nhanh, khuyến khích trẻ ăn rau quả, sữa chua, trái cây.

         5. Nếu trẻ có dấu hiệu thừa cân, cha mẹ phải đưa trẻ đến bác sĩ để có những tư vấn phù hợp, tuyệt đối không bắt trẻ nhịn ăn.

         Thay đổi thối quen ăn uống và duy trì hoạt động thể lực không phải việc dễ dàng đặc biệt là đối với trẻ. Vì thế phụ huynh cần quan tâm, động viên để kiểm soát cân nặng cho con em mình tốt hơn.

                                Nguyễn Ngọc Uyên Thanh/Khoa Kiểm soát bệnh tật

[1]. Bộ Y tế (2021), Kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc 2017 – 2020, Bộ Y tế công bố kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng năm 2019-2020. 04/03/2025, từ https://moh.gov.vn/tin-noi-bat/-/asset_publisher/3Yst7YhbkA5j/content/bo-y-te-cong-bo-ket-qua-tong-ieu-tra-dinh-duong-nam-2019-2020.

[2]. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) (2024), Tỷ lệ thừa cân, béo phì và tật khúc xạ ở học sinh ở mức đáng lo ngại. 04/03/2025. từ https://hcdc.vn/ty-le-thua-can-beo-phi-va-tat-khuc-xa-o-hoc-sinh-o-muc-dang-lo-ngai-P0wj9H.html.

Chia sẻ nhận xét về bài viết

Gửi nhận xét
HỎI VÀ ĐÁP
Đánh giá
Gửi