HOTLINE

NGÀY THẾ GIỚI PHÒNG CHỐNG BÉO PHÌ

        Ngày Thế giới Phòng chống Béo phì 04/03 hàng năm là một sự kiện toàn cầu nhằm nâng cao nhận thức về tác động của béo phì đối với sức khỏe và kêu gọi hành động để phòng ngừa cũng như kiểm soát bệnh béo phì.

        Béo phì được định nghĩa là tình trạng tích tụ mỡ bất thường hoặc quá mức, gây nguy cơ cho sức khỏe[1]. Theo hiệp hội Đái tháo đường các nước Châu Á, chỉ số khối cơ thể (BMI) trên 23 được coi là thừa cân và trên 25 là béo phì. Béo phì là một thách thức lớn đối với sức khỏe cộng đồng, ảnh hưởng đến hơn 2 tỷ người và tỷ lệ mắc bệnh đang gia tăng trên toàn cầu. Chi phí chăm sóc y tế toàn cầu cho bệnh béo phì là gần 1,96 nghìn tỷ đô la, tương đương 2,4% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu vào năm 2020.  Nếu xu hướng hiện tại vẫn tiếp diễn, dự kiến đến năm 2035, tác động kinh tế của bệnh béo phì có thể đạt gần 3% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu[2].

        Thừa cân, béo phì được chứng minh có mối quan hệ mật thiết với các bệnh mạn tính như bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, xơ vữa động mạch, bệnh thận mạn tính, bệnh hô hấp mạn tính, ung thư. Bên cạnh đó, thừa cân, béo phì còn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh như giảm năng suất làm việc, nhanh mệt, thiếu tự tin do yếu tố thẩm mỹ, rối loạn nội tiết ảnh hưởng xấu đến tâm trạng của người bệnh. Tuy nhiên, tình trạng thừa cân, béo phì có thể thay đổi thông qua chế độ ăn uống, sinh hoạt và vận động[3].

        v Chế độ dinh dưỡng

- Hạn chế ăn thực phẩm chế biến sẵn như thịt hộp, xúc xích, nước ngọt, bánh ngọt... hạn chế các món quay, xào. Ưu tiên ăn các món luộc, hấp và các món chế biến ít dầu mỡ.

- Tǎng cường rau, trái cây không ngọt và thực phẩm giàu chất xơ: Khoảng 300 - 500g rau xanh và 100g quả chín ít ngọt/ngày. Nên đưa vào thực đơn các loại trà xanh, cam, gừng, tỏi, ớt ngọt ... giúp tăng cường đốt cháy chất béo trong cơ thể.

- Chế độ ăn đảm bảo đủ đạm, vitamin, khoáng chất.

- Uống đủ nước 2 - 2,5 lít/ ngày.

- Ăn chậm, nhai kỹ, ǎn uống điều độ, không ăn quá no trong một bữa, tránh bữa phụ buổi tối, không bỏ bữa ăn sáng.

        v Chế độ sinh hoạt - vận động:

- Điều chỉnh chế độ sinh hoạt phù hợp, không thức khuya hoặc dậy quá muộn.

- Tăng cường hoạt động thể lực: cần tập thể dục ít nhất 30 - 45 phút mỗi ngày, với các loại hình như đi bộ, bơi, thể dục nhịp điệu, đạp xe đạp… Vận động nhằm mục đích tiêu hao năng lượng dự trữ dưới dạng mô mỡ, làm tăng khối cơ bắp, giúp xương rắn chắc, qua đó giảm các vùng lỏng lẻo của cơ thể, hạn chế khu vực phát triển của các tế bào mỡ.

        Ngày thế giới phòng chống béo phì khuyến khích các cá nhân, tổ chức và chính phủ cùng hợp tác để xây dựng lối sống lành mạnh thông qua chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động và cải thiện các chính sách y tế. Việc nâng cao nhận thức về béo phì và thay đổi thói quen sinh hoạt không chỉ giúp cải thiện sức khỏe cá nhân mà còn góp phần xây dựng một cộng đồng khỏe mạnh hơn.

                                    Huỳnh Thị Huệ Hiền/Khoa Kiểm soát bệnh tật

Tài liệu tham khảo:

1.      Obesity. Accessed March 4, 2025. https://www.who.int/health-topics/obesity

2.      Zhou XD, Chen QF, Yang W, et al. Burden of disease attributable to high body mass index: an analysis of data from the Global Burden of Disease Study 2021. eClinicalMedicine. 2024;76. doi:10.1016/j.eclinm.2024.102848

3.      Dinh dưỡng cho người thừa cân béo phì. Dinh dưỡng cho người thừa cân béo phì. Accessed March 4, 2025. https://viendinhduongtphcm.org/vi/thua-can-beo-phi/dinh-duong-cho-nguoi-thua-can-beo-phi.html

Chia sẻ nhận xét về bài viết

Gửi nhận xét
HỎI VÀ ĐÁP
Đánh giá
Gửi