Muối (NaCl), được cấu thành từ hai nguyên tố hóa học là Natri và Chlorua. Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, một thìa 5g muối chưa khoảng 2.000mg Natri, tương đương với lượng muối chỉ nên dùng hàng ngày với một người trưởng thành. Trong những năm gần đây, mức tiêu thụ muối, đường trung bình của mỗi người trưởng thành ở Việt Nam đều tăng gấp 2 lần so với ngưỡng khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới. Đây cũng chính là căn nguyên của sự gia tăng các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, béo phì, tim mạch và đái tháo đường [1].
Cắt giảm 1 thìa cà phê muối mỗi ngày giúp giảm chỉ số huyết áp
Một nghiên cứu mới công bố cho thấy việc cắt giảm 1 thìa cà phê muối khỏi chế độ ăn uống mỗi ngày có thể làm giảm chỉ số huyết áp cao nhất tương đương với một loại thuốc điều trị tăng huyết áp thông thường, ngay cả khi chúng ta không bị huyết áp cao. Nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí JAMA, nhóm nghiên cứu chỉ định 213 người từ 50 đến 75 tuổi thực hiện chế độ ăn nhiều hoặc ít Natri trong một tuần. Sau khi ăn chế độ đó trong 7 ngày, mỗi người sẽ chuyển sang chế độ ăn thay thế. Kết quả cho thấy khoảng 25% số người tham gia có huyết áp bình thường, trong khi 25% khác bị tăng huyết áp không được điều trị. Trong nhóm còn lại, 20% kiểm soát được huyết áp, trong khi 31% thì không. Theo nghiên cứu, chỉ số huyết áp giảm nhanh chóng và đáng kể khi áp dụng chế độ ăn ít Natri [2].
Chế độ ăn ít muối làm giảm nguy cơ đột quỵ và bệnh tim
Lượng muối (natri clorua) dư thừa có vai trò chính trong cơ chế bệnh sinh của tăng huyết áp. Một nghiên cứu lớn được trình bày tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Tim mạch châu Âu cho thấy việc cắt giảm muối khỏi bữa ăn có thể giảm gần 1/5 nguy cơ mắc các vấn đề về tim và đột quỵ. Nghiên cứu đã ghi nhận việc thêm muối vào thức ăn làm tăng khả năng mắc bệnh tim mạch và tử vong sớm. Các chuyên gia đã xác định mức độ khác biệt mà bạn có thể tạo ra đối với sức khỏe tim mạch của mình - chỉ bằng cách giảm số lượng bữa ăn mà bạn thêm muối hoặc giảm muối.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy những người không bao giờ thêm muối vào bữa ăn có nguy cơ mắc bệnh rung tâm nhĩ (AF), một bệnh về tim, thấp hơn 18% so với những người luôn làm như vậy. Số người được chẩn đoán mắc bệnh này ở Anh đã tăng 50% trong thập kỷ qua lên 1,5 triệu người.
Để tránh ăn quá mặn ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe nhưng vẫn đảm bảo cơ thể được cung cấp đủ muối, natri cần thiết, dưới đây là một số cách giúp giảm muối trong chế độ ăn: Hạn chế sử dụng nước mắm, muối, bột nêm khi chế biến thức ăn, khoảng 1⁄5 thìa cà phê muối/bữa ăn. Hạn chế hoặc không chấm các loại gia vị như nước mắm, nước tương, muối trong bữa ăn. Hạn chế các loại thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn đóng hộp. Đọc kỹ thành phần của loại thực phẩm, nên chọn những loại thực phẩm có lượng muối ít [1].
Đỗ Ngọc Thuận/Khoa Kiểm soát bệnh tật
1. https://suckhoedoisong.vn/che-do-an-giam-muoi-va-vai-tro-cua-no-voi-suc-khoe-169230917163756154.htm
2. https://suckhoedoisong.vn/che-do-an-it-muoi-co-thuc-su-cai-thien-suc-khoe-169231113222345835.htm