HOTLINE

ĐO HUYẾT ÁP THƯỜNG XUYÊN ĐỂ PHÁT HIỆN SỚM BỆNH TĂNG HUYẾT ÁP

Theo các chuyên gia y tế, tăng huyết áp được coi là yếu tố nguy cơ chính đối với bệnh tim mạch, đặc biệt là nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Theo nghiên cứu tại Viện Tim mạch quốc gia, cứ 10 người bị đột quỵ lần đầu thì 8 người mắc tăng huyết áp. Tăng huyết áp được xem là “kẻ giết người thầm lặng” vì không có triệu chứng điển hình và thậm chí nhiều người còn không biết mình bị bệnh. Đây cũng là lý do khiến hơn 48% người trưởng thành ở Việt Nam đang mắc bệnh cao huyết áp, trong số này có tới gần 60% chưa được phát hiện và trên 80% chưa được điều trị.

          Người được cho là tăng huyết áp khi huyết áp tâm thu trên hoặc bằng 140mmHg và huyết áp tâm trương trên hoặc bằng 90mmHg. Phần lớn những yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp có thể kiểm soát được nếu có hiểu biết đúng và biết cách phòng tránh. Hiện nay, biện pháp duy nhất để phát hiện sớm tăng huyết áp là đo huyết áp thường xuyên, nhất là khi có dấu hiệu nghi ngờ. Việc phát hiện sớm tăng huyết áp để điều trị kịp thời đóng vai trò rất quan trọng, ngăn chặn tiến triển của biến chứng, di chứng bệnh tật phức tạp.

  Kiểm tra số đo huyết áp hết sức quan trọng

        Những dấu hiệu thể hiện bệnh tăng huyết áp thường không đặc hiệu và người bệnh thường không thấy có gì khác biệt với người bình thường. Việc kiểm tra huyết áp thường xuyên, nhất là những người có những yếu tố nguy cơ về tim mạch, là hết sức cần thiết và quan trọng. Để biết được số đo huyết áp của mình, một cách đơn giản, đó là đo huyết áp bằng máy đo chuẩn và đúng quy trình.

          Với bệnh lý nguy hiểm này, việc đo huyết áp được xem là cách duy nhất để biết tình trạng huyết áp của bản thân. Thông qua việc đo huyết áp, một người được chẩn đoán THA khi huyết áp lớn hơn hoặc bằng 140/90 mmHg. “Việc nắm rõ chỉ số huyết áp của bản thân là hết sức quan trọng, giúp chúng ta biết được huyết áp của mình ở mức bình thường, hay mức bình thường cao (nhóm có nguy cơ trở thành tăng huyết áp thực sự và có nguy cơ tiến triển các bệnh lý tim mạch).

  Việc đo huyết áp còn giúp chúng ta biết được mức huyết áp bình thường là bao nhiêu, để trong một số trường hợp phải xác định bệnh nhân có bị rơi vào tình trạng tụt huyết áp kéo dài hay không (như sốc nhiễm khuẩn, sốc tim, sốc giảm thể tích,….), tức là huyết áp tâm thu giảm > 40 mmHg so với mức bình thường, từ đó có căn cứ để thầy thuốc điều trị đưa ra phác đồ xử trí phù hợp.

          Riêng với người bị bệnh tăng huyết áp, ngoài lý do trên thì bệnh nhân cần nắm và theo dõi huyết áp của mình nhằm biết việc điều trị hiện tại đã tốt chưa, mức độ kiểm soát huyết áp thế nào, từ đó thầy thuốc sẽ chỉnh liều các thuốc hạ huyết áp tối ưu nhất. Vì thời gian không kiểm soát được huyết áp tối ưu càng dài thì nguy cơ xuất hiện các biến chứng của tăng huyết áp càng sớm và nặng nề hơn như nhồi máu cơ tim, đột qụy.

          Điều trị tăng huyết áp bằng biện pháp không dùng thuốc và dùng thuốc. Biện pháp không dùng thuốc (gọi là thay đổi lối sống) do thầy thuốc tư vấn còn biện pháp dùng thuốc do thầy thuốc khám và kê đơn cho người bệnh định kỳ. Mỗi người bệnh cần tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý giảm liều, ngừng thuốc khi thấy huyết áp ổn định. Ngoài ra huyết áp thay đổi theo tuổi tác và bệnh lý kèm theo cho nên cần kiểm tra thường xuyên số đo huyết áp của mình để phát hiện bệnh THA cũng như các yếu tố nguy cơ khác. Tốt nhất mỗi người nên thường xuyên đến cơ sở y tế để kiểm tra hoặc đo huyết áp tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ và ghi nhớ số huyết áp của mình.

                                                  Đỗ Ngọc Thuận/Khoa Kiểm soát bệnh tật

Chia sẻ nhận xét về bài viết

Gửi nhận xét
HỎI VÀ ĐÁP
Đánh giá
Gửi