HOTLINE

[F.A.S.T] – DẤU HIỆU NHẬN BIẾT NGƯỜI BỊ ĐỘT QUỴ

ĐỘT QUỴ (còn gọi là Tai biến mạch máu não) là tình trạng não bộ bị tổn thương nghiêm trọng do quá trình cấp máu cho não bị gián đoạn. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng như liệt nửa người, rối loạn ngôn ngữ,… và nghiêm trọng nhất là TỬ VONG.

Hai dạng đột quỵ

ĐỘT QUỴ có thể xảy ra bất kỳ lúc nào và bệnh nhân cần được cấp cứu CÀNG SỚM CÀNG TỐT.

Để nhận biết một người có bị ĐỘT QUỴ không, hãy ghi nhớ sử dụng quy tắc F.A.S.T:

Quy tắc F.A.S.T (nguồn ảnh: BV Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ)

  • F (face): Khuôn mặt bị mất cân đối, yếu liệt mặt, một bên mặt bị chảy xệ, cười méo mó. Có thể bảo bệnh nhân cười và quan sát.
  • A (arm): Cử động khó khăn hoặc không thể cử động tay chân, yếu liệt một bên cơ thể. Hãy bảo bệnh nhân giơ tay lên và so sánh, nếu hai tay không thể nâng qua đầu cùng lúc thì có khả năng người đó bị đột quỵ.
  • S (speech): Giọng nói bị thay đổi, nói ngọng, dính chữ. Có thể yêu cầu người đó nói những câu đơn giản, nếu không thể nhắc lại được thì người đó có dấu hiệu bị đột quỵ.
  • T (time): Khi một người có những triệu chứng trên thì rất có thể họ đã bị đột quỵ, vì vậy hãy gọi ngay cấp cứu (115) hoặc đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế gần nhất có khả năng điều trị bằng phương tiện phù hợp. Bệnh nhân được đưa đến bệnh viện càng sớm thì tổn thương càng ít, khả năng phục hồi càng cao, ngược lại đưa đến bệnh viện càng trễ thì càng có nhiều biến chứng nguy hiểm.

XỬ TRÍ KHI GẶP ĐỘT QUỴ

  • Việc đầu tiên cần làm là GỌI CẤP CỨU (115), nếu không gọi được thì hãy chỉ định một người cụ thể một người gần đấy nhờ họ làm việc đó.
  • Đỡ người bệnh để họ không bị ngã, chấn thương.
  • Đặt người bệnh nằm chỗ thoáng, nghiêng một bên, đầu hơi cao, móc hết đờm dãi cho bệnh nhân dễ thở.
  • Nếu người bệnh khó thở, nới lỏng tất cả những đồ đạc bó chặt (khăn choàng, cà vạt,…). Khi bệnh nhân ngừng thở, hãy thực hiện Hồi sức tim phổi (CPR) NẾU ĐÃ ĐƯỢC HUẤN LUYỆN.
  • Báo với nhân viên y tế những dấu hiệu của người bệnh và thời điểm xuất hiện, đặc biệt nếu người bệnh bị ngã hoặc bị đập đầu.

LƯU Ý

  • KHÔNG TỰ Ý ĐIỀU TRỊ CHO BỆNH NHÂN (kể cả bấm huyệt, châm cứu, đánh gió, chích nặn máu, hay dùng bất kỳ loại thuốc nào) vì có thể làm nặng hơn tình trạng bệnh.
  • KHÔNG CHO NGƯỜI BỆNH ĂN UỐNG để đề phòng bệnh nhân nôn sẽ khiến chất nôn vào đường thở, rất nguy hiểm.

Bs. Nguyễn Hoàng Phúc Nguyên (P.TTGDSK)

Chia sẻ nhận xét về bài viết

Gửi nhận xét
HỎI VÀ ĐÁP
Đánh giá
Gửi