Muối và sức khỏe
Bên cạnh những ý nghĩa và vai trò tích cực, việc tiêu thụ quá nhiều muối quan hệ chặt chẽ với sự phát triển của một số bệnh mãn tính không lây nhiễm, bao gồm tăng huyết áp và các vấn đề về tim mạch, bệnh thận, ung thư dạ dày và loãng xương. Tại Việt Nam, theo dõi kết quả của Cục Y tế Dự phòng – Bộ Y tế năm 2015, trung bình một người trưởng thành tiêu thụ lên đến 9,4g muối/người/ngày, cao hơn 2 lần so với mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là dưới 5g/người/ngày, tương đương dưới 2g natri/người/ngày. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tỉ lệ mắc bệnh tăng huyết áp đáng báo động tại Việt Nam [1].
Số liệu cho thấy hiện nay tại Việt Nam cứ 5 người trưởng thành thì có một người bị tăng huyết áp, cứ trong 3 trường hợp tử vong thì có một trường hợp do các bệnh tim mạch, chủ yếu là tử vong do tai biến mạch máu não và nhồi máu cơ tim. Trong năm 2016 ước tính toàn quốc có tới 81.800 trường hợp tử vong do đột quỵ (chiếm tới 15% tổng số tử vong toàn quốc) và 67.500 trường hợp tử vong do bệnh tim thiếu máu cục bộ (chiếm 12% số tử vong). Và con số này càng ngày càng tăng lên.
Thay đổi thói quen sử dụng muối của người dân
Để thay đổi thói quen của người dân, Tổ chức Y tế thế giới đã ban hành Tài liệu Hướng dẫn các biện pháp thay đổi thói quen ăn muối của người dân và khuyến nghị các quốc gia áp dụng để lập kế hoạch can thiệp giảm tiêu thụ muối. Rất nhiều quốc gia trên thế giới đã ban hành chiến lược giảm tiêu thụ muối và một số nước đã đạt được thành công trong giảm mức tiêu thụ muối của quần thể như: Trung Quốc, Nhật Bản, Anh, Phần Lan và Mỹ.
Tại Việt Nam, trên cơ sở các khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch quốc gia Truyền thông vận động thực hiện giảm muối trong khẩu phần ăn để phòng, chống tăng huyết áp, đột quỵ và các bệnh không lây nhiễm khác giai đoạn 2018-2025 (tại Quyết định số 2033/QĐ-BYT ngày 28/3/2018). Theo như Kế hoạch này, hàng năm tất cả các đơn vị y tế trong cả nước sẽ tổ chức triển khai các hoạt động truyền thông vận động, đưa thông tin, định hướng, giúp người dân nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi thực hiện giảm muối trong khẩu phần ăn, góp phần phòng, chống tăng huyết áp, đột quỵ, các bệnh tim mạch và bệnh không lây nhiễm khác.
“Cho bớt muối, chấm nhẹ tay, giảm ngay đồ mặn”.
* Cho bớt muối: hãy giảm lượng muối và gia vị mặn cho vào khi chế biến thức ăn
* Chấm nhẹ tay: hạn chế sử dụng và hạn chế lượng muối, gia vị, nước chấm đặt trên bàn ăn trong khi ăn,
* Giảm ngay đồ mặn: hạn chế lựa chọn hay sử dụng thực phẩm có nhiều muối.
Để ngăn việc cho quá tay hoặc sử dụng lượng muối quá nhiều trong bữa ăn, chúng ta cần phải luôn luôn nhớ câu “cho bớt muối, chấm nhẹ tay, giảm ngay đồ mặn” để phòng ngừa các nguy cơ gây ra bệnh tăng huyết áp, đột quỵ và các bệnh không lây nhiễm khác.
Khoa Kiểm soát bệnh tật
[1].Trần Quốc Bảo và cộng sự. (2020). Risk factor for Non -Communicable Diseases among adults in VietNam: Findings from the VietNam STEPS Survey 2015. J Glob Health Sci, 2(1):e7