HOTLINE

Hiểu rõ hơn về phòng chống các bệnh tim mạch

Trong những năm gần đây, bệnh lý tim mạch có số người mắc bệnh và tử vong cao nhất nước ta. Tỷ lệ người mắc các bệnh lý tim mạch nhưng chưa được phát hiện cũng rất cao, việc này sẽ để lại những hệ lụy vô cùng nặng nề cho mỗi cá nhân gia đình và xã hội.

Hiện nay, mô hình bệnh tật ở nước ta đã có những thay đổi to lớn. Các bệnh không lây nhiễm, trong đó có các bệnh tim mạch đang có khuynh hướng tăng lên. Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm nước ta có khoảng 200.000 người tử vong do các bệnh lý liên quan đến tim mạch và cứ 3 người trưởng thành thì có 1 người có nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch.

Theo thống kê của WHO vào năm 2018 Việt Nam có 548.800 ca tử vong trong đó số ca tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm tới 77% (424.000 ca) và bệnh tim mạch chiếm 31%. Nguyên nhân của bệnh tim mạch hiện nay là do các yếu tố về lối sống không lành mạnh và các yếu tố này đều có thể thay đổi được.

 

Hình ảnh thông điệp của Ngày tim mạch Thế giới 29/9/2022 (https://world-heart-federation.org/)

Ngày Tim mạch Thế giới được Liên đoàn Tim mạch Thế giới và Tổ chức Y tế Thế giới thống nhất tổ chức vào ngày 29/9 hàng năm để kêu gọi sự chú ý của cộng động, kêu gọi sự quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe tim mạch; cùng hướng tới một Thế giới, nơi mà tất cả những người mắc bệnh Tim mạch đều được tiếp cận với các dịch vụ điều trị bệnh một cách kịp thời và đầy đủ. Thông điệp năm 2022 là “Một trái tim vì mọi trái tim” (Use heart for every heart).

Và để giảm nguy cơ các bệnh lý tim mạch, mỗi người trong chúng ta cần nhận diện nguy cơ tim mạch của chính mình và tìm cách kiểm soát chúng. Sau đây là 10 lời khuyên theo khuyến cáo của Liên đoàn Tim mạch Thế giới để bảo vệ trái tim cho bạn, gia đình và cộng đồng:

1. Thiết lập chế độ ăn uống hợp lý, khẩu phần ăn có nhiều rau xanh, trái cây. Hạn chế ăn các chất béo bão hòa. Không nên ăn mặn.

2. Tập thể dục thường xuyên: mỗi ngày tập từ 30 – 60 phút sẽ giúp phòng chống các bệnh lý tim mạch.

3. Không hút thuốc lá (thuốc lào, thuốc lá điện tử, Shisha) vì hút thuốc lá là nguyên nhân trực tiếp gây xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, đột qụy và nhiều bệnh lý tim mạch khác.

4. Duy trì cân nặng hợp lý, nếu thừa cân cần giảm cân sẽ làm giảm huyết áp, giảm các biến cố do bệnh lý tim mạch gây nên.

5. Nên khám sức khỏe định kỳ để biết được số huyết áp động mạch, hàm lượng Cholesterol, Triglycerit, hàm lượng đường trong máu, chỉ số vòng eo/vòng mông, chỉ số khối cơ thể (BMI).

6. Hạn chế uống rượu, bia vì uống nhiều rượu, bia làm trọng lượng của bạn cũng tăng lên và gây bệnh Tăng huyết áp.

7. Tạo môi trường sạch sẽ, không có khói thuốc ở gia đình, công sở, nơi công cộng.

8. Cần có thời gian thư giãn, tập luyện nhẹ nhàng (nếu có thể) ngay tại chính nơi mình làm việc.

9. Tại nơi công sở cũng cần tránh ăn uống quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn hay các loại thức ăn nhanh.

10. Tránh căng thẳng, lo âu quá mức. Hãy cùng nhau xây dựng một môi trường làm việc đoàn kết, lành mạnh và hiệu quả.

Với thông điệp “Một trái tim vì mọi trái tim” mỗi người dân cần tự chăm sóc sức khỏe chính mình, giảm thiểu các nguy cơ mắc bệnh về tim mạch và những biến chứng do bệnh tim mạch gây ra. Hãy cùng nhau chung tay để có trái tim khỏe.

Nguồn tham khảo: who.int, suckhoedoisong.vn

Chia sẻ nhận xét về bài viết

Gửi nhận xét
HỎI VÀ ĐÁP
Đánh giá
Gửi