HOTLINE

BÁO ĐỘNG TÌNH TRẠNG SỨC KHỎE TÂM THẦN TRẺ EM

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện có hơn 13% trẻ em, thanh thiếu niên từ 10-19 tuổi trên toàn cầu đang phải sống chung với chứng rối loạn tâm thần. Số liệu của Dịch vụ Sức khỏe tâm thần của Anh cho biết năm 2023, cứ 12 trẻ em, thanh thiếu niên thì có 1 em gặp vấn đề, được giới thiệu đến các trung tâm sức khỏe tâm thần [1]. Theo cuộc khảo sát của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cuối năm 2023, khoảng 30% thanh thiếu niên của quốc gia này cho biết tình trạng sức khỏe tâm thần của họ rất kém, khoảng 40% thường xuyên cảm thấy buồn bã hoặc vô vọng kéo dài. Theo Liên minh quốc gia về bệnh tâm thần, tự tử là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai ở những người từ 15-24 tuổi tại Mỹ. Gần 20% học sinh trung học cho biết có ý định tự tử và 9% đã cố gắng tự tử.

Tại Việt Nam, “Nghiên cứu toàn diện về các yếu tố liên quan đến trường học ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và sự phát triển toàn diện của trẻ em nam và nữ vị thành niên tại Việt Nam” do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam phối hợp với Bộ GD&ĐT công bố, thì 20% trẻ vị thành niên có vấn đề về sức khỏe tâm thần và chỉ 8,4% các em được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ hoặc tư vấn. Hơn nữa, chỉ có 5,1% cha mẹ có con vị thành niên nhận thấy con mình cần sự giúp đỡ đối với các vấn đề về cảm xúc và hành vi. Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra, nhiều phụ huynh gây áp lực buộc con em mình phải thành công và có những tiêu chuẩn cao khiến các em phải “học 24/24h” [2].

 

Các loại hình vấn đề sức khỏe tâm thần phổ biến nhất trong trẻ em Việt Nam là các vấn đề hướng nội (ví dụ như lo âu, trầm cảm, cô đơn) và các vấn đề hướng ngoại (ví dụ như tăng động và giảm chú ý) [3]. Trong khi đang gia tăng lo ngại về tỷ lệ tự tử trong thanh thiếu niên ở Việt Nam, tỷ lệ tự tử của Việt Nam được báo cáo là thấp đáng kể so với những ước tính toàn cầu. Trong một nghiên cứu ở 90 quốc gia, trên tổng số ca tử vong ở vị thành niên là 9,1% trong khi ở Việt Nam, tỷ lệ này là 2,3% [4]. Tuy nhiên, lạm dụng chất, đặc biệt là thuốc lá là phổ biến trong nam vị thành niên Việt Nam (gần 40%) (Bộ Y tế, Tổng cục Thống kê, Tổ chức Y tế Thế giới và UNICEF, 2010).

Theo Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, năm 2023, số cuộc gọi của nhóm từ 10 tuổi trở lên tăng so với năm 2022, cụ thể: nhóm trẻ em từ 11 - 14 tuổi có 2.580 cuộc (chiếm 10,9%), tăng 0,3%; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có 1.986 cuộc (chiếm 8,4%), tăng 5,3% so với năm 2022. Cũng trong năm này, nội dung các cuộc gọi tư vấn chuyên sâu tăng ở các nội dung: khó khăn liên quan đến các mối quan hệ ứng xử; sức khỏe thể chất; sức khỏe tâm lý... Các em ở độ tuổi từ 10 - 16 thường gọi đến Tổng đài vào khung giờ từ 22 - 24h khi các thành viên trong gia đình đã đi ngủ để có thể dễ dàng chia sẻ, tâm sự, giải tỏa những áp lực, căng thẳng trong học tập và những tổn thương về tâm lý khi gặp khó khăn trong mối quan hệ ứng xử với các thành viên trong gia đình [2].

Phụ huynh cần theo dõi giấc ngủ của con em vì các rối loạn tâm thần thường gây ra mất ngủ. Bên cạnh đó nên tìm hiểu nguyên nhân gây ra chứng mất ngủ ở trẻ và tìm hướng giải quyết. Khuyến khích học sinh nói ra vấn đề của mình, cùng trẻ tìm ra giải pháp để giải quyết vấn đề. Tránh đặt kỳ vọng quá cao ở trẻ, gây ra áp lực lớn trong học tập. Tạo môi trường học tập thân thiện, thoải mái, lành mạnh, sắp xếp lịch học tập và thi cử hợp lý, khoa học.

Lê Thị Châu An/ Khoa Kiểm soát bệnh tật

 

[1] https://www.phunuonline.com.vn/bao-dong-ve-suc-khoe-tinh-than-cua-tre-em-a1514248.html

[2] https://baophapluat.vn/canh-bao-ve-suc-khoe-tam-than-khien-tre-em-de-hanh-dong-dai-dot-post506043.html

[3] Nguyen, D. T., Dedding, C., Pham, T. T., Wright, P., Bunders, J. (2013). Depression, anxiety, and suicidal.

[4] UNICEF. 2023. Sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ em và thanh niên tại một số tỉnh và thành phố ở Việt Nam.

Chia sẻ nhận xét về bài viết

Gửi nhận xét
HỎI VÀ ĐÁP
Đánh giá
Gửi