HOTLINE

Cần những giải pháp nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe tâm thần

Sức khỏe tâm thần là một trong ba yếu tố hình thành nên sức khỏe của mỗi con người. Tại Việt Nam, có khoảng 15 triệu người có vấn đề về sức khỏe tâm thần, tuy nhiên mạng lưới cơ sở y tế cũng như đội ngũ cán bộ y tế chuyên ngành sức khỏe tâm thần đang rất thiếu, đòi hỏi các cấp, ngành liên quan cần có những giải pháp để công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần ngày càng được cải thiện.

Bác sĩ Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia trao đổi cùng các bệnh nhân điều trị rối loạn giấc ngủ.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, “sức khỏe là trạng thái hoàn toàn khỏe mạnh về thể chất, tinh thần và xã hội chứ không chỉ đơn thuần là không có bệnh tật hay ốm đau”; “không có sức khỏe nếu không có sức khoẻ tâm thần”. Như vậy, vấn đề sức khỏe tâm thần chiếm một nửa trong định nghĩa về sức khỏe, cho thấy vai trò rất quan trọng của chăm sóc sức khỏe tâm thần.

Hiện nay mô hình bệnh tật đang thay đổi. Bên cạnh các bệnh truyền nhiễm thì các bệnh không lây nhiễm cũng là gánh nặng bệnh tật lên tất cả các nước trên thế giới. Hằng năm các ca tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm khoảng 74% các ca tử vong chung trên toàn thế giới.

Trong các bệnh không lây nhiễm thì vấn đề rối loạn tâm thần là rất phổ biến, đang có chiều hướng gia tăng và là nguyên nhân dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe khác. Năm 2019, Tổ chức Y tế thế giới ước tính cứ 8 người thì có 1 người đang sống chung với rối loạn tâm thần, trong đó rối loạn lo âu và trầm cảm là phổ biến nhất.

Đại dịch Covid-19 đã gây ra một cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần toàn cầu, làm trầm trọng thêm tình trạng căng thẳng cấp tính, mạn tính và phá hủy sức khỏe tâm thần của hàng triệu người.

Mặc dù các dịch vụ phòng ngừa và điều trị hiệu quả sẵn có tại các cơ sở, nhưng nhiều người bị rối loạn tâm thần không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc hiệu quả, làm gia tăng khoảng trống điều trị cho các vấn đề sức khỏe tâm thần. Chỉ khoảng 29% số người bị rối loạn tâm thần và chỉ 1/3 số người bị trầm cảm được chăm sóc sức khỏe tâm thần chính thức.

Theo đánh giá của các chuyên gia y tế, đây là hậu quả trực tiếp của tình trạng đầu tư dưới mức cơ bản, bởi vì các quốc gia chi trung bình chỉ khoảng 2% ngân sách y tế cho sức khỏe tâm thần.

Tại Việt Nam, tỷ lệ người mắc 10 rối loạn tâm thần thường gặp là 14,9% số dân, nghĩa là có khoảng 15 triệu người. Tuy đa số người dân cho rằng rối loạn tâm thần chỉ là tâm thần phân liệt (dân gian thường gọi là điên), nhưng thực tế tỷ lệ tâm thần phân liệt chỉ chiếm 0,47% số dân.

Trong khi đó, trầm cảm, lo âu chiếm tỷ lệ cao, khoảng 5-6% số dân, còn lại là các rối loạn tâm thần khác như rối loạn cảm xúc lưỡng cực, rối loạn tâm thần liên quan tới sử dụng rượu bia, ma túy và các chất gây nghiện khác... Ở trẻ em, các vấn đề sức khỏe tâm thần vào khoảng 12%, tương đương hơn ba triệu trẻ em có nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần. Đáng chú ý, theo các bác sĩ, ai cũng có thể mắc rối loạn tâm thần, ít nhất là ở một giai đoạn, thời điểm nào đó của cuộc đời.

Thời gian qua, mặc dù ngành y tế và các các địa phương đã có nhiều nỗ lực, nhưng công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần trong cả nước hiện có hai bệnh viện tâm thần ở tuyến trung ương (Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2) cùng với Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia.

Tại tuyến tỉnh, hiện 43 tỉnh, thành phố có bệnh viện tâm thần, số còn lại là khoa tâm thần trong bệnh viện đa khoa và trung tâm phòng chống bệnh xã hội của tỉnh. Tại tuyến quận, huyện có nhiều bác sĩ được tập huấn về công tác sức khỏe tâm thần. Tuyến xã, phường tập trung nhiều vào quản lý danh sách người bệnh tâm thần, chủ yếu là cấp thuốc điều trị tâm thần theo chỉ định của tuyến trên, không thực hiện công việc khám, chẩn đoán, kê đơn điều trị rối loạn tâm thần.

Như vậy, tuyến huyện hầu như không cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh nội trú về tâm thần; việc lồng ghép chăm sóc sức khỏe tâm thần trong chăm sóc sức khỏe chung, nhất là chăm sóc sức khỏe ban đầu còn nhiều hạn chế, hầu như chỉ cơ sở chuyên khoa tâm thần cung cấp dịch vụ, còn hầu hết các bệnh viện chuyên khoa như nhi, sản-nhi, lão khoa không có khoa tâm thần, nguồn nhân lực chăm sóc sức khỏe tâm thần còn thiếu và phân bổ không đồng đều trên các vùng trong cả nước...

Bác sĩ Lê Minh Sang, chuyên gia y tế cao cấp (Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam) chia sẻ, mặc dù Việt Nam có hơn 11.000 trạm y tế xã, phường nhưng chỉ 49% số trạm thực hiện được 80% danh mục chuyên môn kỹ thuật; các trạm y tế chỉ cấp thuốc miễn phí cho người bệnh tâm thần phân liệt, động kinh và trầm cảm; không thực hiện được các dịch vụ khác như sàng lọc, trị liệu, phòng tái phát hay phục hồi chức năng; trạm y tế dựa hoàn toàn vào trung tâm y tế huyện để duy trì dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần.

Đối với ngành bảo trợ xã hội thì mới triển khai chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi dựa vào cộng đồng cho người rối loạn tâm thần; mặt khác gặp thách thức trong điều phối đa ngành cũng như khó tiếp cận đối với người bị rối loạn tâm thần ở nông thôn. Tất cả học sinh có bảo hiểm y tế nhưng không tiếp cận được dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần phù hợp.

Theo nghiên cứu của PGS, TS Nguyễn Văn Tuấn và Thạc sĩ, bác sĩ Lê Công Thiện (Bộ môn Tâm thần, Trường đại học Y Hà Nội), hiện nay nguồn nhân lực chăm sóc sức khỏe tâm thần trong cả nước thiếu về số lượng; chất lượng chưa cao; phân bổ không đều, tập trung nhiều ở vùng đồng bằng sông Hồng và Thành phố Hồ Chí Minh, còn khu vực miền núi phía bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ rất ít...

Trước những vấn đề sức khỏe tâm thần đang ngày một trở nên nghiêm trọng ở nước ta, tại Quyết định số 155/QĐ-TTg ngày 29/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022-2025.

Mục tiêu chung của kế hoạch là “tăng cường kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh, đẩy mạnh các biện pháp dự phòng, phát hiện sớm và quản lý điều trị các bệnh tâm thần phân liệt, động kinh, trầm cảm, sa sút trí tuệ và các rối loạn sức khỏe tâm thần khác nhằm góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của nhân dân và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước”.

Hiện nay, Bộ Y tế đang xây dựng đề án “Tăng cường năng lực hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần” để trình Chính phủ phê duyệt làm cơ sở triển khai công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần trong giai đoạn sắp tới. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, chăm sóc sức khỏe tâm thần là vấn đề của toàn xã hội, không của riêng ai và không của riêng cấp bậc hành chính nào.

Chính vì vậy, phòng ngừa và nâng cao sức khỏe tâm thần là trách nhiệm của mỗi người dân, gia đình, cộng đồng, chính quyền và các ban, ngành đoàn thể từ trung ương đến địa phương, cùng các tổ chức xã hội, thông qua các giải pháp như nâng cao nhận thức, thực hiện các hành vi lành mạnh ở mỗi cá nhân, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, dự phòng và xử lý tốt các thiên tai, thảm họa... Khi đã gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần thì trách nhiệm chủ yếu của y tế và xã hội nhằm giảm nhẹ, tiến tới điều trị khỏi hoàn toàn cho người bệnh.

Nguồn: nhandan.vn

Chia sẻ nhận xét về bài viết

Gửi nhận xét
HỎI VÀ ĐÁP
Đánh giá
Gửi