HOTLINE

SẮT – VI CHẤT CẦN BỔ SUNG CHO PHỤ NỮ CÓ THAI

Sắt là một vi chất có vai trò đặc biệt quan trọng đối với phụ nữ mang thai. Bổ sung sắt cho bà bầu không đủ dẫn tới thiếu máu, làm tăng nguy cơ băng huyết, nhiễm trùng hậu sản, ... Ước tính tỷ lệ thiếu máu trong thai kỳ trên toàn cầu vào khoảng 41.8%, chủ yếu là thiếu máu do thiếu sắt.

  1. Vai trò của sắt đối với phụ nữ có thai

Sắt là một nguyên tố thiết yếu tham gia vào nhiều hoạt động tế bào và các chức năng sinh lý của cơ thể như tham gia quá trình vận chuyển oxy trong máu, tổng hợp DNA và các phản ứng oxy hóa – khử.

Khi mang thai, thể tích tuần hoàn tăng gấp 50% so với bình thường để đáp ứng nhu cầu phát triển của em bé từ đó nhu cầu sắt của cơ thể tăng cao đáng kể so với bình thường. Nguyên nhân là do cơ thể cần sắt cho sự tăng thể tích huyết tương, tạo tế bào hồng cầu, cung cấp oxy cho sự phát triển của thai nhi cũng như bù đắp lượng sắt bị mất đi trong quá trình sinh.

Đối với mẹ bầu, sắt là một yếu tố giúp duy trì một thai kỳ an toàn và khỏe mạnh. Bổ sung đủ sắt giúp mẹ bầu và thai nhi phòng ngừa được những biến chứng nguy hiểm của thai kỳ như sảy thai, đẻ non, băng huyết và nhiễm trùng hậu sản. Do đó, uống sắt đầy đủ, đúng hàm lượng là điều cần thiết của tất cả mẹ bầu nên làm.

  1. Hàm lượng sắt cần thiết cho phụ nữ có thai theo từng giai đoạn

Ba tháng đầu

3 tháng đầu là giai đoạn vàng trong sự hình thành và phát triển của thai nhi, bất kì khiếm khuyết nào trong quá trình này đều gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của thai nhi sau này. Trong giai đoạn này thai nhi cần sắt để tạo máu, lúc này người mẹ cần bổ sung 30-60mg sắt nguyên tố mỗi ngày để đáp ứng nhu cầu này.

Ba tháng giữa

Thai nhi tiếp tục phát triển mạnh và hoàn thiện các cơ quan trong 3 tháng giữa. Lúc này thai nhi cần được cung cấp nhiều máu hơn để đáp ứng nhu cầu phát triển đó. Giai đoạn này, mẹ bầu cần tiếp tục duy trì 30 đến 60mg sắt hàng ngày.

Ba tháng cuối

3 tháng cuối là giai đoạn quan trọng của cả mẹ bầu và thai nhi. Giai đoạn này thai nhi sẽ tăng nhanh chóng về cân nặng cũng như kích thước. Cơ thể người mẹ cũng có nhiều biến đổi để chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ. Dù sinh mổ hay sinh thường cơ thể người mẹ cũng mất rất nhiều máu, trung bình từ 1,5- 2 lít. Do đó, việc tích trữ máu trong 3 tháng cuối này là vô cùng quan trọng. Người mẹ nên bổ sung khoảng 50- 60mg sắt nguyên tố mỗi ngày và duy trì đến sau sinh để sức khỏe được hồi phục tốt.

  1. Biểu hiện của thiếu sắt khi mang thai

- Thường xuyên mệt mỏi, kém tập trung.

- Hoa mắt, chóng mặt nhất là khi thay đổi tư thế đột ngột, có thể dẫn đến ngất.

- Da xanh, nhợt nhạt.

- Niêm mạc mắt, miệng, lòng bàn tay kém hồng hào.

- Khả năng chịu lạnh kém.

- Dễ bị nhiễm bệnh.

- Khó thở khi gắng sức, leo cầu thang hay hoạt động mạnh kéo dài.

  1. Ảnh hưởng của thiếu sắt

          Đối với sản phụ: Bà bầu nếu thiếu máu thiếu sắt dễ bị sảy thai, nhau tiền đạo, bong nhau, tăng huyết áp thai kỳ, đái tháo đường thai kỳ, tiền sản giật, ối vỡ sớm, nhiễm trùng hậu sản, băng huyết sau sinh. Bên cạnh đó, vấn đề băng huyết sau sinh sẽ có nguy cơ đe dọa nghiêm trọng tới tính mạng người mẹ thiếu máu thai kỳ.

Đối với thai nhi: Trẻ sinh ra bởi người mẹ thiếu máu thai kỳ cũng dễ bị thiếu máu, nhẹ cân, sinh non tháng, suy thai, tăng khả năng bị các bệnh sơ sinh hơn so với bình thường. Trẻ sơ sinh thiếu máu thiếu sắt có thể gây ra ảnh hưởng lâu dài tới phát triển trí não do sự thiếu hụt sắt sớm có tác động tiêu cực đến tế bào oligodendrocyte làm thay đổi quá trình myelin hóa và ảnh hưởng đến sự dẫn truyền thần kinh.

  1. Các dạng chế phẩm sắt trên thị trường

Phần lớn các mẹ bầu khi mua các sản phẩm bổ sung sắt đều ít khi chú ý đến dạng sắt trong đó. Tuy nhiên đây lại là yếu tố quyết định chủ yếu đến hiệu quả của việc bổ sung sắt cho mẹ bầu.

Sắt trên thị trường được chia thành nhiều loại. Theo cấu tạo phân tử có sắt hóa trị II, sắt hóa trị III. Theo nguồn gốc có sắt hữu cơ, sắt vô cơ. Theo dạng bào chế có sắt viên và sắt nước. Cụ thể:

* Sắt II và sắt III

- Sắt II là loại sắt có hàm lượng sắt nguyên tố cao, dễ hấp thu tại ruột, giá thành phải chăng và dễ dàng tìm mua tại bất kỳ nhà thuốc nào. Tuy nhiên sắt II thương gây nhiều tác dụng phụ như đầy bụng, buồn nôn, nóng trong, táo bón, phân đen…

- Sắt III Thường ít gây tác dụng phụ tuy nhiên dạng này thường có giá thành cao và sắt cần chuyển thành dạng sắt II để hấp thu nên quá trình hấp thu thường chậm hơn.

* Sắt vô cơ, hữu cơ

- Sắt vô cơ thường ở dạng sắt sulfat, phức hợp này khi vào cơ thể sẽ giải phóng sắt ồ ạt khiến nồng độ sắt trong máu tăng cao. Tế bào ruột hấp thu sắt thụ động, lượng sắt dư thừa bị ứ đọng lại lại dạ dày ruột gây phản ứng với thức ăn, lâu dần gây tổn thương đường tiêu hóa dẫn đến các biểu hiện như ợ chua, đầy bụng, khó tiêu, nóng trong, táo bón.

- Khác với sắt vô cơ, sắt hữu cơ (sắt fumarat hay sắt gluconat) sẽ được ruột hấp thu chủ động vào trong máu theo nhu cầu cơ thể. Lượng sắt được hấp thu được đi về những cơ quan đích như tủy xương để tạo máu hay gan để dự trữ. Lượng sắt dư thừa sẽ được đào thải ra bên ngoài qua đường tiêu hóa do đó không gây lắng đọng trong tổ chức. Ngoài ra, sắt hữu cơ cũng dễ hấp thu và không gây tác dụng phụ.

*Bổ sung Sắt viên hay sắt nước

- Sắt dạng nước thường dễ hấp thu tuy nhiên thường khó uống vì vị tanh của sắt. Những sản phẩm bổ sung sắt dạng này cũng thường có giá thành cao và hàm lượng sắt khó kiểm soát.

- Sắt dạng viên có ưu điểm dễ uống, giá thành rẻ, hàm lượng sắt trong viên uống cao. Tuy nhiên dạng sắt này thường khó hấp thu và dễ gây nóng hơn sắt nước.

  1. Bổ sung sắt có tác dụng phụ không?

Sắt tương đối khó uống vì có thể khiến cho mẹ bầu gặp phải một số triệu chứng khó chịu. Nhiều mẹ bầu sợ uống sắt thậm chí dừng bổ sung khi mang thai. Dưới đây là những tác dụng phụ của sắt:

- Nóng trong, nổi mụn, táo bón.

- Phân xanh hoặc đen màu hắc ín.

- Chán ăn, buồn nôn kéo dài.

- Co thắt dạ dày, kích ứng niêm mạc dạ dày.

- Phản ứng dị ứng: ngứa, phát ban, nổi mề đay, tức ngực, khó thở, sưng môi, mắt, mặt…

Để hạn chế những tác dụng phụ này mẹ bầu nên tuân thủ đúng liều lượng sắt cần bổ sung, tuyệt đối không uống quá liều. Tốt nhất mẹ bầu nên sử dụng những loại sắt hóa trị III có nguồn gốc hữu cơ để hạn chế được tối đa những tác dụng không mong muốn này.

Ds.Nguyễn Đức Anh (K.Dược – TTB – VTYT) – Tổng hợp

Chia sẻ nhận xét về bài viết

Gửi nhận xét
HỎI VÀ ĐÁP
Đánh giá
Gửi