Bệnh viêm gan cấp tính “bí ẩn” là bệnh lý viêm gan cấp tính chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây bệnh. Một số giả thuyết cho rằng Adenovirus type 41 và COVID-19 có thể có liên quan đến căn bệnh này, tuy nhiên vẫn chưa có đủ bằng chứng để chứng minh.
Một số đặc điểm chung của các ca bệnh viêm gan cấp tính “bí ẩn”:
- Bệnh viêm gan cấp tính “bí ẩn” gặp ở lứa tuổi từ 0 – 16 tuổi, trẻ nhỏ mắc bệnh nhiều hơn trẻ lớn. Trẻ có một hoặc các triệu chứng khi nhiễm bệnh: Sốt, đau bụng, nôn, tiêu chảy,…
- Các dấu hiệu tổn thương gan: Vàng da, vàng mắt, phân bạc màu,…
- Không tìm thấy các nguyên nhân gây tổn thương gan thông thường
- Có thể hồi phục tốt sau khi được điều trị hỗ trợ tích cực, một số trường hợp diễn tiến nặng, suy gan không hồi phục, tử vong.
Khi nào cần đưa trẻ đến bệnh viện khám để phát hiện sớm viêm gan cấp tính “bí ẩn”?
Số ca bệnh hiện tại đang rất ít, cũng như chưa ghi nhận trường hợp mắc viêm gan cấp tính “bí ẩn” tại Việt Nam, vì vậy quý phụ huynh cần bình tĩnh và không nên quá lo lắng. Phụ huynh cần chú ý theo dõi, khi trẻ có các dấu hiệu nghi ngờ viêm gan: Vàng da, vàng mắt, phân bạc màu, nước tiểu đậm, mệt mỏi, biếng ăn, ói mửa, đau bụng… cần đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế để kịp thời chẩn đoán và điều trị.
Phòng bệnh viêm gan cấp tính “bí ẩn” như thế nào?
- Hiện nay chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh, nên các biện pháp chủ động dự phòng và phòng bệnh đặc hiệu vẫn chưa được khuyến cáo.
- Phương pháp dự phòng hiệu quả nhất hiện nay:
- Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang nơi công cộng, vệ sinh tay thường xuyên bằng xà phòng/dung dịch sát khuẩn tay nhanh, đặc biệt là trước khi chuẩn bị thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh,…
- Tiêm chủng đầy đủ theo lịch tiêm, đặc biệt là viêm gan A, viêm gan B, vaccine ngừa COVID-19 khi có chỉ định
- Sử dụng thực phẩm sạch, đảm bảo vệ sinh sinh an toàn thực phẩm.
- Vệ sinh, sát khuẩn bề mặt, xử lý chất thải phù hợp.
BS Nguyễn Hoàng Phúc Nguyên (Tổng hợp)