Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tăng huyết áp (THA) ảnh hưởng đến sức khỏe của hơn 1 tỷ người trên toàn thế giới và là yếu tố nguy cơ tim mạch quan trọng nhất liên quan đến bệnh mạch vành, suy tim, bệnh mạch máu não và bệnh thận mạn tính. Năm 2005, trong số 17,5 triệu người tử vong do các bệnh tim mạch thì tăng huyết áp là nguyên nhân trực tiếp gây tử vong của 7,1 triệu người.
Tăng huyết áp là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tỷ lệ tử vong và tỷ lệ mắc bệnh toàn cầu. Tần suất tăng huyết áp nói chung trên thế giới là khoảng 41% ở các nước phát triển và 32% ở các nước đang phát triển.
Tại Việt Nam tần suất tăng huyết áp của người lớn ngày càng gia tăng. Trong những năm 1960 tỷ lệ tăng huyết áp là khoảng 1%, năm 2005 là 18,3%. Theo một điều tra gần đây của Viện Tim mạch Việt Nam tiến hành ở người lớn (>= 25 tuổi) cho thấy tỷ lệ tăng huyết áp đã lên đến 25,1%, nghĩa là cứ 4 người lớn thì có 1 người bị tăng huyết áp. Với dân số hiện nay là khoảng 96 triệu dân thì nước ta có khoảng 24 triệu người bị tăng huyết áp.
Bệnh THA thật sự được quan tâm kể từ thế kỷ 20 do vậy còn có tên là “Kẻ giết người thầm lặng của thế kỷ 20”, do căn bệnh khởi đầu thường không có triệu chứng và dấu chứng đặc biệt nào cho đến khi vào viện đã là biến chứng, thậm chí nhiều người còn “một đi không trở lại”. THA với hậu quả tổn thương cơ quan đích như suy tim, suy mạch vành, nhồi máu cơ tim, đột tử, tai biến mạch não, suy thận, xuất huyết phù gai thị đưa đến giảm thị lực, mù mắt, tắc mạch ngoại biên... để lại di chứng nặng nề cho bản thân, gia đình và xã hội; đặc biệt với những người không điều trị thì nguy cơ tàn phế, tử vong chiếm đến 1/3 trường hợp trong vòng 10 năm.
WHO đã xếp bệnh THA vào nhóm “bệnh dịch (do sự gia tăng nhanh chóng) không lây”. Có thể thấy rõ điều này ngay tại nước ta khi những năm 60, tỉ lệ THA chỉ chiếm 1,6% dân số nhưng hiện nay đã chiếm trên 25% dân số người > 18 tuổi. Tỉ lệ này tương đương các nước đang phát triển và là nguy cơ báo động đỏ. So sánh tử vong bệnh lý ung thư thì THA không kém chút nào, thậm chí còn cao hơn ở nhiều nước.
Trên thế giới và tại nước ta, tỉ lệ mới mắc THA chưa có xu hướng chững lại mà gia tăng. Thống kê được công bố gần đây của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy 1/3 người lớn bị THA trong vòng 5 năm qua. Đáng lưu ý là sự trẻ hóa của các bệnh nhân THA, nhiều trường hợp tuổi đời chỉ xấp xỉ 35- 40 tuổi. Giải thích điều này theo các tài liệu cho thấy có nhiều yếu tố như: lối sống không lành mạnh, lạm dụng rượu bia, đô thị hóa, tác động tâm lý xã hội, bệnh lý phối hợp như đái tháo đường, suy thận... cũng như sự nhận thức của người dân chưa cao, thậm chí cả nhân viên y tế cũng coi thường việc dự phòng căn bệnh thế kỷ này. Cũng có ý kiến cho rằng, do các phương tiện chẩn đoán trở nên phổ biến nên việc phát hiện THA nhiều hơn. Dẫu sao THA nguyên phát (không rõ nguyên nhân) chiếm đến 90% trường hợp trong khi THA thứ phát có nguyên do (sỏi thận, cường giáp, hẹp mạch thận, suy thận, thuốc...) lại hay tìm thấy ở người trẻ.
Dấu hiệu THA giai đoạn sớm đúng nghĩa là “thầm lặng” vì không có dấu hiệu gì báo trước hoặc nếu có thì rất mơ hồ, như: nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt. Ở giai đoạn nặng hơn có thể bệnh nhân than phiền tức ngực, mờ mắt, tê tay chân và cuối cùng, khi đã có biến chứng thì bệnh nhân có thể đã hôn mê, liệt, nhồi máu và tử vong. Do vậy, để dự phòng phải kiểm tra huyết áp định kỳ, khi huyết áp trên 140/90 phải đến bác sĩ tư vấn ngay.
Để phòng tránh THA về cơ bản là phải thay đổi lối sống, hạn chế ăn mặn, bia rượu, thuốc lá, chọn chế độ ăn nhiều rau củ quả, tránh căng thẳng, tập thể dục đều đặn, giảm cân và kiểm tra sức khỏe toàn diện toàn dân là bước phòng tránh ưu việt. Đo huyết áp 6 tháng một lần chính là một trong những biện pháp phát hiện sớm tăng huyết áp hiệu quả nhất.
Tổng hợp - Bs. Nguyễn Hoàng Phúc Nguyên – P.TTGDSK