Trên thế giới, hơn 13 triệu người có nguy cơ bị đột quỵ mỗi năm và hậu quả dẫn đến khoảng 5,5 triệu người tử vong. Tác động của đột quỵ có thể ngắn hoặc dài hạn, tùy thuộc vào phần nào của não bị ảnh hưởng và nó được điều trị nhanh chóng như thế nào. Những người sống sót sau đột quỵ có thể gặp các khuyết tật trên diện rộng bao gồm khó khăn về khả năng vận động và giọng nói, cũng như cách họ suy nghĩ và cảm nhận. Do đó, nếu bạn phát hiện các dấu hiệu của đột quỵ, hãy gọi xe cấp cứu ngay lập tức. Tiếp cận điều trị đột quỵ nhanh chóng giúp cứu sống và cải thiện khả năng phục hồi.
Đột quỵ là tình trạng quá trình cung cấp máu lên não bị gián đoạn dẫn đến thiếu oxy, kết quả là não bị tổn thương và mất chức năng. Đột quỵ xảy ra do 2 nguyên nhân là thiếu máu cục bộ (do cục máu đông gây tắc động mạch cung cấp máu cho não, nguyên nhân thường xuyên nhất gây đột quỵ) và xuất huyết não (khi một mạch máu não bị vỡ). Đột quỵ có thể gây ra tổn thương vĩnh viễn, bao gồm tê liệt một phần và suy giảm khả năng nói, hiểu và ghi nhớ. Mức độ và vị trí của tổn thương quyết định mức độ nghiêm trọng của đột quỵ, có thể từ nhẹ đến nặng.
Trên toàn cầu, cứ 4 người trên 25 tuổi thì có 1 người bị đột quỵ trong đời. Xu hướng hiện tại cho thấy số người chết hàng năm sẽ lên đến 6,7 triệu người nếu không có hành động thích hợp. Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong và tàn tật hàng đầu trên toàn cầu với 116 triệu năm sống khỏe mạnh bị mất đi mỗi năm vì căn bệnh này. Một trong những quá trình bệnh chính dẫn đến đột quỵ là xơ vữa động mạch. Có nhiều yếu tố nguy cơ của đột quỵ bao gồm tuổi cao, sử dụng thuốc lá, lười vận động, chế độ ăn uống không lành mạnh, sử dụng rượu có hại, tăng huyết áp, rung nhĩ, tăng lipid máu, béo phì, giới tính nam, di truyền và các yếu tố tâm lý. Từ các yếu tố trên, chúng ta có thể phòng ngừa đột quỵ bằng cách: Theo dõi huyết áp, kiểm soát lượng cholesterol, giảm lượng đường trong máu, tập thể dục, dinh dưỡng tốt, giảm cân, ngừng hút thuốc, dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Nguồn: Thủy Tiên – Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM
[1] https://www.world-stroke.org/world-stroke-day-campaign/why-stroke-matters/learn-about-stroke
[2] https://www.stroke.org/en/about-the-american-stroke-association/world-stroke-day